7 thiết bị và phụ kiện cơ bản cho phòng thu âm mini tại nhà – Hướng dẫn chi tiết cho người mới bắt đầu
Bạn đã từng nhìn thấy ca sĩ thu âm tại các phòng thu âm chuyên nghiệp, và tại sao họ lại có những bản nhạc và những video clip hay đến thế, chất lượng âm thanh tuyệt vời đến thế. Vậy thì phòng thu âm đó phải đầu tư hết bao nhiêu tiền và cần phải có những thiết bị gì để hoàn thành một phòng thu âm chuyên nghiệp? Khoan hãy bàn đến con số mà hãy ngẫm lại một chút là bạn có cần phải có một phòng thu âm chuyên nghiệp để có được âm thanh chuyên nghiệp không? Ngày xưa thì cần còn bây giờ thì bạn có nhiều sự lựa chọn khác với chi phí rẻ hơn rất nhiều
Thời buổi hiện nay, bạn không có nhiều thời gian và chi phí, chỉ muốn setup một phòng thu cơ bản nhất để thỏa mãn đam mê, SOL Studio sẽ gợi ý cho bạn 7 thiết bị và phụ kiện để các bạn có thể tự setup cho mình một phòng thu âm mini với chất lượng của một phòng thu chuyên nghiệp (tất nhiên số tiền bỏ ra càng nhiều thì chất lượng âm thanh sẽ tương xứng):
- Máy tính và phần mềm làm nhạc (DAW)
- Audio Interface (chúng ta hay gọi là sound card)
- Microphone
- Tai nghe kiểm âm (Studio Headphone)
- Vật liệu tiêu âm
- Chân kẹp micro
- Màng chắn Pop-filter
1. Máy tính và phần mềm làm nhạc (DAW)
Bạn có thể sử dụng máy PC hoặc laptop đều được, chỉ cần cầu hình máy tương đối mạnh một chút như là CPU>2,5ghz, Ram thì 4GB trở lên, ổ cứng thì nên là ổ SSD có dung lượng >120 gb để cài đặt phần mềm và lưu những project mà bạn thu.
Phần mềm làm nhạc, trên mạng người ta gọi tắt DAW, có rất nhiều phần mềm nổi tiếng, các bạn có thể search goolge là ra khá nhiều. Ở đây mình đề xuất cho mọi người phần mềm studio one của hãng presonus. Đây là phần mềm thu âm mix nhạc và làm nhạc chuyên nghiệp được nhiều anh em trong giới producer đánh giá cao và tin dùng.
Mọi người có thể tham khảo video hướng dẫn sử dụng phần mềm studio one để thu âm mix nhạc cấp tốc trên kênh youtube của SOL Studio:
2. Audio Interface (chúng ta hay gọi là sound card
Audio Interface là một thiết bị cực kỳ quan trọng trong phòng thu tại nhà. Đây chính là hệ thống giao tiếp giữa các cổng âm thanh đi vào và đi ra với máy tính. Nó giúp bạn thu tín hiệu âm thanh từ microphone, nhạc cụ vào máy tính và phát tín hiệu âm thanh từ máy tính ra loa, tai nghe.
Có rất nhiều loại Audio Interface trên thị trường, nhưng chung quy lại, có 04 loại giao tiếp chính gồm: Giao tiếp USB, Giao tiếp Firewire IEEE 1394, Giao tiếp PCI, Giao tiếp Thunderbolt
Tuy nhiên đối với những người mới bắt đầu, chúng tôi khuyên bạn hãy chọn dùng USB Audio Interface bởi sự tiện lợi và phổ biến của nó.
Một vài vấn đề khác bạn cần lưu ý khi chọn mua Audio Interface để là số cổng IN/ OUT và có cổng hỗ trợ nhạc cụ mà bạn chơi hay không?
Một vài thương hiệu Audio Interface nổi tiếng trên thị trường hiện nay gồm:
- Presonus
- Focusrite (Anh)
- Steinberg (Đức- Là cha đẻ của Cubase và là công ty con của YAMAHA)
- Roland (Nhật Bản)
- M-Audio (Mỹ)
- Universal Audio (Mỹ)
3. Micro thu âm
Microphone là thiết bị giúp bạn thu âm thanh bên ngoài vào máy tính như: giọng hát (vocal), đàn piano, guitar… Hãy chọn Microphone phù hợp với túi tiền của bạn.
Có 3 dạng microphone thông dụng:
- Dynamic (micro điện động)
- Condenser (micro tụ điện)
- Ribbon
– Micro dynamic: Dùng hiệu ứng từ trường (nam châm) để thay đổi sóng điện, là loại microphone có cường độ rộng, thích hợp cho thu các loại nhạc cụ có cường độ cao như kèn trompete, trống… Giá của chúng thường rẻ hơn các dạng microphone Condenser.
Điểm mạnh: có độ bền rất tốt và dễ thích nghi với sự thay đổi của nhiệt độ, không cần cung cấp nguồn điện để hoạt động, nhỏ gọn.
Điểm yếu: có đáp tần yếu khi tần số vượt ngưỡng 10 kHz.
– Micro condenser: vận hành theo nguyên lý chuyển động của màng rung, còn gọi là micro dạng tụ, màng của chúng hoạt động như một cái mảng tụ điện và khi màng rung sẽ tạo ra âm thanh ở khoảng cách giữa các mảng.
Có độ nhạy cao và bắt chính xác âm thanh
Thích hợp cho thu các dạng tín hiệu mềm như giọng hát, guitar thùng…
Condenser cần nguồn điện để vận hành. Nguồn điện này được gọi là Phantom Power” hay “+48V”. Sound card và Mixer thường có nguồn +48 vôn cho loại micro này.
Các studio thông thường chủ yếu vẫn sử dụng các loại microphone Condenser.
– Micro Ribbon: nếu các bạn có thời gian thì tìm hiểu thêm nhé. Loại này thường không được dùng nhiều tại các phòng thu âm.
4. Tai nghe kiểm âm- Studio Headphone
Studio Headphone có 2 chức năng chính:
- Nghe nhạc nền và tín hiệu âm thanh đang thu (giọng hát, guitar…) trong quá trình thu âm
- Editing, Mixing hoặc Mastering
Tương ứng với 2 chức năng này, Studio Headphone được thiết kế thành 2 dạng: Closed-Back và Open-Back.
- Closed-Back Headphone được thiết kế để cách ly tối đa các nguồn âm thanh khi đang thu âm. Nó phải ngăn không âm thanh nào thoát ra ngoài/lọt vào trong
- Open-Back Headphone (thường đắt hơn Closed-Back Headphone) được thiết kế để tối ưu chất lượng âm thanh nhưng có điểm yếu là dễ bị lọt âm thanh ra ngoài. Vì thế, nó phù hợp để mixing hoặc mastering.